Công việc chính hàng ngày của nhân viên nhà hàng là phục vụ thực khách. Ngoài ra, nhân viên còn phải thực hiện vệ sinh làm sạch ở nhà hàng mỗi ngày. Không giống như vệ sinh nhà cửa, vệ sinh nhà hàng có những khác biệt, hãy xem họ phải làm những gì nào?
Danh sách công việc vệ sinh làm sạch ở nhà hàng mỗi ngày
Làm sạch dụng cụ ăn uống
Bát, đĩa, dao, muỗng, nĩa, ly, tách,… là những thứ trực tiếp được dùng phục vụ khách hàng, góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà hàng trong phục vụ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, cả nhân viên và quản lý nhà hàng phải đặc biệt lưu ý đến những dụng cụ ăn uống này, nhất là những bộ dụng cụ phục vụ bằng sứ trắng cần đảm bảo chúng phải được lau sạch, không bị ố vàng, xỉn màu, nứt mẻ hay còn bám bụi bẩn,…
Làm Sạch Sàn/ Thềm nhà
Đây là khu vực rất dễ bị bẩn, nhất là những ngày mưa, vì lượng khách di chuyển vào ra nhà hàng thường xuyên và liên tục. Vết bẩn do dấu giày, do thức ăn hay nước uống bị rơi, … sẽ để lại dấu vết trên sàn; khách hàng sẽ dễ dàng phát hiện và đánh giá vệ sinh của nhà hàng bạn. Vì vậy, hàng ngày vệ sinh lau chùi, hút bụi, quét sàn, thu gom rác thải,… đảm bảo sàn/ thềm nhà luôn luôn sạch bóng.
Làm sạch khu vệ sinh
Trên thực tế, hầu hết khách hàng đều đánh giá mức độ sạch sẽ của nhà hàng dựa vào tình trạng vệ sinh tại khu vệ sinh chung. Mùi hôi, các loại giấy, rác thải trong thùng rác tại đây cần phải được thường xuyên theo dõi, kiểm soát và xử lý kịp lúc. Hàng ngày kiểm tra và bổ sung giấy vệ sinh (nếu hết hoặc còn quá ít), làm sạch những vị trí bị bẩn, thu gom rác, thay mới các loại xà phòng rửa tay, sử dụng máy hút ẩm để làm khô sàn (nếu bị ẩm ướt do trời mưa),… để đảm bảo khu vệ sinh luôn luôn sạch sẽ.
Làm sạch khu vực thu gom rác thải
Từ các giỏ rác tại các bàn ăn, trong quầy bar, trong khu chế biến, tại nơi công cộng đến khu vực chung để thu gom rác thải vào cuối ngày phải đảm bảo không được để ẩm mốc hay bốc mùi, làm lan ra các khu vực khác gây ảnh hưởng đến khách, mỹ quan chung và các món ăn, thức uống phục vụ. Hàng ngày thay mới các vật dụng đựng rác “tại điểm”, lau chùi các giỏ đựng sạch sẽ, khử trùng và sắp xếp rác thải tại nơi “tập kết” đảm bảo ngăn nắp, sạch sẽ và gọn gàng.
Làm sạch vật dụng trang trí
Một số nhà hàng thường bỏ qua hoặc rất ít để ý vệ sinh những vật dụng dùng để trang trí trong nhà hàng như tranh treo tường, chậu hoa, cây giả, dãy ruy băng,… Đây là những vật dụng rất dễ bám bụi. Khách hàng hay có thói quen quan sát xung quanh trong thời gian đợi phục vụ. Vì vậy, cùng với việc vệ sinh sàn/ thềm nhà, nhân viên nên chú ý làm sạch những vật dụng trang trí trong khung viên nhà hàng, đảm bảo tính mỹ quan tốt nhất.